bookmark

Table of content

Mô hình Belbin - Khi làm việc nhóm, bạn là ai?

Hiểu rõ 9 vai trò trong mô hình Belbin. Bạn sẽ làm việc được với bất kỳ ai, bất kỳ môi trường!

Mô hình Belbin - Khi làm việc nhóm, bạn là ai?

Apr. 23, 2021, 8:15 AM

Mô hình Belbin nổi tiếng khắc họa 9 loại tính cách thường gặp trong làm việc nhóm. Sự hiểu rõ và tập hợp các tính cách này một cách hợp lý chính là chìa khóa giúp cho các nhóm đạt được thành công và tránh các cuộc cãi vã.

Mô hình Belbin là gì? 

Mô hình Belbin được phát triển bởi Tiến sĩ Meredith Belbin, tập trung vào việc phân tích vai trò của từng thành viên trong nhóm làm việc. Thay vì chỉ đánh giá tính cách cá nhân, mô hình này cho phép chúng ta hiểu rõ mỗi người đóng góp gì cho sự thành công của cả nhóm.

Mô hình Belbin là gì?

Trong mô hình này, các vai trò được chia thành ba nhóm lớn: nhóm tập trung vào hành động, nhóm xây dựng kết nối xã hội, và nhóm phát triển ý tưởng. Mỗi thành viên sẽ có xu hướng tự nhiên nổi trội ở một hoặc nhiều vai trò, và sự kết hợp các vai trò này là yếu tố quan trọng giúp nhóm đạt được mục tiêu.

Cách áp dụng mô hình Belbin tại nơi làm việc

Mô hình Belbin tin rằng một đội nhóm với các thành viên có phong cách làm việc và xu hướng hành vi tương tự có thể dẫn đến sự mất cân bằng. Ví dụ, hãy tưởng tượng một đội mà các thành viên đều dựa vào tư duy lý trí và các dữ kiện thay vì cảm xúc.

Những thành viên này có thể hoàn thành một số nhiệm vụ một cách hiệu quả, nhưng họ có thể thất bại trong việc kết nối với khách hàng và đối tác kinh doanh. Đội nhóm với các thành viên thiếu kỹ năng xã hội sẽ có thể thể hiện điểm yếu này khi làm việc chung.

Mô hình Belbin đã được áp dụng bởi hàng ngàn doanh nghiệp trên toàn cầu, bao gồm các tổ chức lớn như NHS (National Health Service UK), TikTok, và African Development Bank. 

Sự khác biệt giữa mô hình belbin và bài test DISC 

Mặc dù cả Mô hình Belbin và DISC đều nhằm giúp chúng ta hiểu rõ về hành vi con người, nhưng mỗi công cụ có cách tiếp cận khác nhau.

  • Mô hình Belbin tập trung vào vai trò mà mỗi cá nhân đảm nhận trong một nhóm làm việc, giúp xác định ai phù hợp với vai trò nào để tối ưu hóa hiệu quả làm việc.
  • Trong khi đó, bài kiểm tra DISC lại tập trung vào việc đánh giá tính cách cá nhân của từng người trong các tình huống khác nhau, dựa trên bốn nhóm tính cách chính. DISC giúp hiểu về xu hướng hành vi cá nhân, nhưng không tập trung vào cách mỗi người đóng góp vào công việc nhóm.

Do đó, nếu DISC giúp bạn hiểu bản chất tính cách, thì Belbin sẽ chỉ ra cách bạn có thể cộng tác và làm việc nhóm hiệu quả nhất.

→ Làm ngay bài test DISC tại đây 

9 vai trò cần có trong một nhóm theo mô hình Belbin 

Trong kết quả nghiên cứu của Belbin, một số nhóm ban đầu được dự đoán sẽ thành công vì bao gồm cách thành viên có kiến thức nền tốt, nhưng trên thực tế, khi làm việc nhóm với nhau thì họ lại tỏ ra không hiệu quả. 

9 vai trò cần có trong một nhóm theo mô hình Belbin

Và rất rõ ràng là các nhóm mà có được sự cân bằng, bao gồm nhiều tuýp người khác nhau thì lại làm việc hiệu quả hơn. Trong đó có 9 loại tính cách khác biệt thể hiện rất rõ trong nghiên cứu được liệt kê ở bảng bên dưới. Tùy vào mục đích của hoạt động nhóm, việc cân bằng sự xuất hiện của các tính cách này sẽ thể hiện hiệu quả khác biệt rõ rệt.

Vai tròĐặc điểm chính 
Shaper Thúc đẩy nhóm tiến lên, thích thử thách, chịu áp lực tốt
ImplementerBiến ý tưởng thành hành động, thực tế và đáng tin cậy
Completer-FinisherCẩn thận, tỉ mỉ, kiểm soát chất lượng công việc
CoordinatorĐiều phối, phân công hợp lý, nhận diện tài năng
TeamworkerKết nối nhóm, giảng hòa và khuyến khích sự hợp tác
Resource InvestigatorKhám phá cơ hội, kết nối bên ngoài, nhiệt tình
PlantSáng tạo, đưa ra các ý tưởng đột phá
Monitor-EvaluatorPhân tích logic, đưa ra đánh giá khách quan
SpecialistChuyên môn sâu, đóng góp kiến thức kỹ thuậ

Nhóm giỏi hành động 

Shaper - Người ra kế hoạch

Người ra kế hoạch trong nhóm thường đóng vai trò thúc đẩy nhóm liên tục tiến về phía trước, tránh bị sao nhãng hoặc chậm trễ. Họ thường có xu hướng không ngại thử thách và luôn đảm bảo rằng công việc được hoàn thành đúng tiến độ.

  • Thế mạnh: Shaper thích thử thách, có năng lượng dồi dào, chịu áp lực tốt và luôn tìm cách vượt qua khó khăn. Họ có khả năng dẫn dắt nhóm đi qua những giai đoạn khó khăn nhất và tạo động lực để mọi người cùng cố gắng.
  • Điểm yếu chấp nhận được: Đôi khi Shaper có thể hơi khiêu khích, dễ gây mất lòng với đồng đội vì sự quyết liệt của mình.
  • Đừng ngạc nhiên nếu họ: Trở nên mạnh mẽ hoặc thậm chí hung hăng khi thấy công việc cần được giải quyết nhanh chóng và triệt để.

Implementer - Người thực hiện

Người thực hiện là người biến những ý tưởng thành hành động cụ thể, họ luôn có kế hoạch rõ ràng và tổ chức công việc một cách hiệu quả nhất. Những người thực hiện thường rất thực tế, luôn biết cách tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có để đạt được mục tiêu.

  • Thế mạnh: Thực tế, đáng tin cậy, hiệu quả. Biến ý tưởng thành hành động và tổ chức công việc tốt
  • Điểm yếu chấp nhận được: Thiếu linh hoạt và chậm tiếp nhận ý tưởng mới
  • Đừng ngạc nhiên nếu họ: Tốn thời gian để bỏ đi kế hoạch cũ và thực hiện những thay đổi mới tốt hơn

Completer - Finisher - Người theo dõi tiến độ

Người theo dõi tiến độ là người chăm chút cho từng chi tiết nhỏ, họ là người đảm bảo rằng công việc sẽ được hoàn thiện một cách hoàn hảo nhất. Họ thường phù hợp với vai trò kiểm tra chất lượng và phát hiện các lỗi sai trước khi công việc được hoàn thành.

  • Thế mạnh: Họ có tâm và lo toan đủ điều. Tìm ra lỗi sai và đánh bóng kết quả
  • Điểm yếu chấp nhận được: Đôi khi hơi lo lắng thái quá và không muốn giao việc cho người khác
  • Đừng ngạc nhiên nếu họ: Bị trách vì quan tâm tiểu tiết và quá khó tính.

Nhóm giỏi xây dựng quan hệ

Coordinator - Người điều phối

Người điều phối là người có khả năng tập trung vào mục tiêu chung của nhóm và đảm bảo rằng tất cả các thành viên đều hiểu và làm việc hướng tới mục tiêu đó. Họ có khả năng nhận diện tài năng của từng người và phân công công việc một cách hợp lý.

  • Thế mạnh: Trưởng thành, tự tin, nhìn thấy tài năng của người khác, làm rõ mục tiêu
  • Điểm yếu chấp nhận được: Có thể bị xem là độc đoán và luôn giao hết việc của mình cho người khác làm
  • Đừng ngạc nhiên nếu họ: Giao việc của họ cho người khác và phần việc của họ thì còn lại rất ít

Team-worker - Người kết nối nhóm

Người kết nối nhóm là người xây dựng sự đoàn kết và khuyến khích sự hợp tác giữa các thành viên. Họ thường đóng vai trò là cầu nối networking , giúp giải quyết các mâu thuẫn và tạo ra một môi trường làm việc thoải mái, hòa hợp.

  • Thế mạnh: Lạc quan, khách quan và ngoại giao tốt. Biết lắng nghe và giảng hòa khi có mâu thuẫn
  • Điểm yếu chấp nhận được: Chần chừ ra quyết định trong tình huống gay gắt và thường lảng tránh cãi vã 
  • Đừng ngạc nhiên nếu họ: Không dám ra quyết định mà không có sự đồng thuận của nhóm

Resource Investigator - Người khám phá cơ hội

Người khám phá cơ hội là người giỏi trong việc tìm kiếm các ý tưởng mới, cơ hội mới từ bên ngoài và mang lại giá trị cho nhóm. Họ thường có khả năng kết nối và xây dựng mối quan hệ với nhiều đối tác bên ngoài, tạo điều kiện cho sự phát triển của nhóm.

  • Thế mạnh: Hướng ngoại, nhiệt tình. Khám phá cơ hội và kết nối tốt với người khác tốt
  • Điểm yếu chấp nhận được: Lạc quan quá mức, mất hứng thú khi sự nhiệt tình ban đầu qua đi 
  • Đừng ngạc nhiên nếu họ: Quên liên hệ với khách hàng tiềm năng

Nhóm giỏi tư duy 

Plant - Người có nhiều ý tưởng

Người có nhiều ý tưởng là những cá nhân sáng tạo, có khả năng tư duy vượt ra ngoài khuôn khổ để đưa ra các giải pháp đột phá. Họ thường có tầm nhìn xa và giỏi giải quyết các vấn đề phức tạp.

  • Thế mạnh: Sáng tạo, liên tưởng tốt, suy nghĩ tự do để giải quyết những vấn đề hóc búa
  • Điểm yếu chấp nhận được: Thường bỏ qua những việc giấy tờ, việc nhỏ nhặt. Hay quá bận suy nghĩ vấn đề quan trọng nên giao tiếp ít hiệu quả 
  • Đừng ngạc nhiên nếu họ: Hay quên những điều nhỏ nhặt, mắc lỗi không đáng có

Monitor - Evaluator - Người giỏi phân tích

Người giỏi phân tích là những người có khả năng tư duy logic và chiến lược. Họ thường đảm nhận vai trò đánh giá các lựa chọn của nhóm một cách khách quan và đưa ra những nhận định chính xác.

  • Thế mạnh: Tỉnh táo, chiến lược, logic. Thấy tất cả các khả năng và đánh giá chúng rất khách quan
  • Điểm yếu chấp nhận được: Khó có thể tạo cảm hứng cho người khác và có vẻ hay phán xét
  • Đừng ngạc nhiên nếu họ: Ra quyết định chậm và tốn nhiều thời gian

Specialist - Chuyên gia

Chuyên gia là người mang đến kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể và đóng góp vào các quyết định quan trọng của nhóm nhờ vào chuyên môn của mình.

  • Thế mạnh: Suy nghĩ độc lập, quyết đoán và tâm huyết. Họ có những kiến thức chuyên môn cao 
  • Điểm yếu chấp nhận được: Những đóng góp chỉ ở trong một lĩnh vực nhất định và thường có nhiều chi tiết kỹ thuật khó hiểu
  • Đừng ngạc nhiên nếu họ: Đưa cho bạn một loạt thông tin, kiến thức cao siêu trên mây

→ Đọc thêm: 6 phong cách lãnh đạo thịnh hành nhất hiện nay (updated 2024)

Mô hình belbin ảnh hưởng như thế nào trong môi trường công sở 

Trong môi trường công sở, việc hiểu rõ vai trò của mỗi người trong nhóm có thể tạo ra những thay đổi tích cực đáng kể.

Mô hình belbin ảnh hưởng như thế nào trong môi trường công sở

Nâng cao hiệu suất nhóm

Bạn có bao giờ cảm thấy mình đang cố gắng làm những việc không phải sở trường của mình không? Điều này xảy ra với hầu hết chúng ta, và đôi khi nó làm giảm đi hiệu suất làm việc. 

Nhưng với mô hình Belbin, mỗi người trong nhóm đều được đảm nhận vai trò mà họ giỏi nhất. Nhờ vậy, mọi thứ sẽ trở nên trôi chảy hơn, mỗi người đều làm đúng việc mình giỏi, giúp nhóm đạt được kết quả tốt hơn mà không gặp nhiều khó khăn.

Giải quyết xung đột

Làm việc nhóm đôi khi không tránh khỏi những bất đồng, phải không? Nhưng khi mọi người trong nhóm hiểu rõ vai trò và điểm mạnh của nhau, sự xung đột sẽ ít xảy ra hơn. 

Bạn sẽ thấy dễ dàng hơn khi làm việc cùng nhau vì ai cũng biết mình phải làm gì và tôn trọng công việc của người khác. Nếu có bất kỳ mâu thuẫn nào, chúng cũng được giải quyết nhanh chóng, vì mọi người hiểu rằng mỗi người đều có những đóng góp riêng theo cách tốt nhất của họ.

Phát triển kỹ năng con người

Điều tuyệt vời của mô hình Belbin là nó không chỉ giúp bạn thấy rõ điểm mạnh, mà còn chỉ ra những kỹ năng bạn có thể phát triển thêm. 

Ví dụ, nếu bạn giỏi sáng tạo nhưng yếu trong quản lý thời gian, mô hình này sẽ giúp bạn nhận ra điều đó và từ từ cải thiện. Điều này không chỉ giúp bạn phát triển cá nhân mà còn giúp cả nhóm trở nên mạnh mẽ hơn khi mọi người đều tiến bộ cùng nhau.

Lợi ích cho tổ chức

Với một đội nhóm được sắp xếp cân bằng dựa trên mô hình Belbin, tổ chức của bạn sẽ hoạt động hiệu quả hơn rất nhiều. Khi mọi người được đặt đúng chỗ, không chỉ công việc diễn ra trơn tru mà cả quá trình tuyển dụng, phân công nhiệm vụ hay đánh giá hiệu suất cũng trở nên dễ dàng hơn. 

Điều này không chỉ giúp tăng hiệu quả công việc mà còn tạo ra một môi trường làm việc thoải mái, ai cũng phát huy được thế mạnh của mình.

Lời kết

Mô hình Belbin giúp bạn và nhóm của mình hiểu rõ vai trò và tiềm năng của mỗi người trong việc đạt được mục tiêu chung. Việc nhận diện và phát huy điểm mạnh sẽ mang đến sự phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả hơn.

Tracnghiemtinhcach.vn luôn đồng hành cùng bạn trên hành trình khám phá bản thân và phát triển sự nghiệp. Hãy thực hiện bài test DISC ngay hôm nay để hiểu rõ hơn về tính cách của bạn, từ đó cải thiện công việc và mối quan hệ trong cuộc sống.

messenger