bookmark

Table of content

Tích cực độc hại là gì? Khi niềm vui tràn trề có thể “đầu độc” bạn

Tích cực độc hại là gì? Khi niềm vui chỉ là vỏ bọc của sự tránh né và cảm xúc bất an.

Tích cực độc hại là gì? Khi niềm vui tràn trề có thể “đầu độc” bạn

Jul. 25, 2024, 9:51 AM

Tích cực độc hại là gì? Khi niềm vui không thật sự "vui" như bạn tưởng

“Cứ cố gắng bước tiếp đi.”

“Bỏ qua đi.”

“Mọi thứ xảy ra đều có lý do của nó.”

Chúng ta đều biết rằng những lời động viên có thể giúp nâng đỡ tinh thần khi buồn bã. Tuy nhiên, việc quá vội vàng phủ nhận những cảm xúc tiêu cực có thể gây hại hơn là giúp ích. Đây là hiện tượng "tích cực độc hại" và thường đến từ những người có ý tốt. Tìm hiểu tất cả về thuật ngữ này ngay trong bài viết này nhé!

Tích cực độc hại là gì? 

Tích cực độc hại (toxic positivity) là xu hướng ép buộc bản thân và người khác luôn phải tích cực, vui vẻ bất chấp hoàn cảnh. Điều này không chỉ làm che giấu những cảm xúc tiêu cực mà còn tạo ra áp lực lớn, khiến chúng ta không thể đối diện và giải quyết vấn đề một cách thực sự. 

Theo khảo sát của Science of People, gần 68% người tham gia cho biết họ đã trải qua tích cực độc hại từ ai đó trong vài tuần gần đây, và hơn 75% thừa nhận rằng họ "bỏ qua cảm xúc của mình để tỏ ra hạnh phúc."

Điều này đặc biệt phổ biến ở nơi làm việc, nơi các công ty thường khuyến khích thái độ tích cực và xây dựng văn hóa dựa trên "tính chuyên nghiệp" – đôi khi phải hy sinh sự thấu hiểu và chân thành. 

Những mối quan hệ xung quanh tích cực độc hại 

Tích cực độc hại có nhiều liên kết với các khái niệm, hình thức và hội chứng tâm lý khác nhau. Biết nhiều hơn và phân định rõ ràng giữa các khái niệm này sẽ giúp bạn nhìn ra đâu mới thật sự là tích cực độc hại: 

Tích cực độc hại và lạc quan 

Những người lạc quan là những người có thái độ hy vọng và tích cực, thường kỳ vọng vào những kết quả tốt đẹp. Mặc dù lạc quan được coi là lành mạnh, nhưng một “phiên bản cực đoan” của thái độ này thường được gọi là tích cực độc hại. 

Suy nghĩ tích cực không giống như tích cực độc hại. Những người suy nghĩ tích cực thường có thể đánh giá tình huống một cách thực tế và phê phán hơn so với những người luôn cố gắng tỏ ra vui vẻ hoặc nói rằng mọi thứ đều ổn ngay cả khi không phải như vậy. Những người suy nghĩ tích cực có lòng tự trọng tốt vì họ gắn liền với thực tế, trong khi những người có tích cực độc hại thường phủ nhận cảm xúc thực sự của mình để tìm kiếm cảm giác an toàn giả tạo.

Tích cực độc hại và gaslighting

Tích cực độc hại và gaslighting có mối quan hệ chặt chẽ ở thời điểm mạng xã hội bùng nổ như hiện nay. Trên các nền tảng như Facebook và Instagram, xu hướng "chỉ lan tỏa năng lượng tích cực" tạo ra áp lực phải luôn tỏ ra vui vẻ và thành công, làm bóp méo thực tế.  

Vì vậy, các hình thức giao tiếp, tương tác này có thể gây ra tổn thương khi đặt người dùng vào một viễn cảnh không có thật, từ đó chúng ta thường tự thấy xấu hổ với bản thân và ngăn cản sự phát triển cảm xúc của mỗi người. Có thể cho rằng mạng xã hội đã phát triển một hình thức mới của gaslighting, biến tích cực độc hại thành một vấn đề nghiêm trọng hơn.

→ Đọc thêm: Gaslighting là gì? Cách bảo vệ bản thân khỏi “Vở kịch thao túng” chốn công sở 

Môi trường nào tích cực độc hại dễ “xâm chiếm”

Tích cực độc hại có thể xâm chiếm nhiều môi trường khác nhau, từ nơi công sở đến gia đình và xã hội. Để hiểu rõ hơn về cách tích cực độc hại ảnh hưởng đến chúng ta, hãy xem xét cụ thể từng môi trường này: 

Môi trường công sở

Tại môi trường công sở có những quy tắc ngầm về việc duy trì hình ảnh tích cực và "chuyên nghiệp". Văn hóa doanh nghiệp thường đề cao sự chuyên nghiệp và hiệu suất, khiến nhân viên cảm thấy phải che giấu bất kỳ dấu hiệu nào của sự yếu đuối. 

Những cuộc trò chuyện tại văn phòng thường tập trung vào thành công và thành tựu, trong khi quá trình vất vả hoặc kết quả thất bại bị đẩy ra khỏi phạm vi thảo luận. Sự cạnh tranh ngầm trong môi trường công sở cũng khiến cho nhân viên phải tỏ ra mạnh mẽ và tự tin, ngay cả khi họ đang gặp phải những thách thức lớn trong công việc hoặc cuộc sống cá nhân.

Môi trường gia đình và xã hội 

Có bao giờ bạn ngồi vào bàn ăn tối với cảm xúc buồn bã và khó chịu chưa? Chắc hẳn trong chúng ta không ít người đã từng trải qua cảm giác đó. Các bậc phụ huynh “truyền thống” sẽ luôn có những câu chuyện so sánh khập khiễng giữa bạn và “con nhà người ta”. Những kỳ vọng này tạo ra áp lực lớn, làm che giấu cảm xúc thật và dẫn đến tích cực độc hại của cả con trẻ và phụ huynh. 

Khi lớn hơn một chút, bạn có thể bị cuốn theo vòng xoáy của "Peer pressure". Những cuộc gặp gỡ bạn bè cũ, hàn huyên tâm sự nhiều thứ nhưng thường xoay quanh chuyện sự nghiệp, tiền tài và chức vụ. Các câu chuyện này nhìn vẻ ngoài thì có vẻ tích cực vì đơn thuần chỉ là sự hỏi han nhau. Tuy nhiên, nó vô tình tạo ra một áp lực rằng bạn phải giỏi bằng những người xung quanh và phải đưa ra các câu trả lời “sặc mùi giả tạo” để che giấu đi thực tế của mình​

Dấu hiệu nhận biết tích cực độc hại tại nơi làm việc

Tích cực độc hại là gì? Các triệu chứng mà bạn có thể “bắt mạch” ra ngay.

Có nhiều dấu hiệu và hậu quả của tích cực độc hại. Chỉ cần để ý một  chút, bạn có thể nhận thấy những biểu hiện này ở bản thân hoặc đồng nghiệp đấy:

Bạn bị bao quanh bởi những người luôn nói "đồng ý"

Một dấu hiệu của tích cực độc hại tại nơi làm việc là khi đồng nghiệp hiếm khi chia sẻ mối quan tâm hoặc bất đồng ý kiến, đặc biệt với người có quyền lực. Hiện tượng "groupthink" xảy ra khi nhân viên sợ làm thất vọng sếp hoặc bị coi là không hợp tác. Kết quả là họ đồng ý với những điều mà họ không thực sự đồng ý, và người khác không nhận ra điều này.

Khen ngợi quá mức

Tích cực độc hại thường xuất hiện dưới dạng khen ngợi. Khi khen ngợi được sử dụng để thao túng người khác, nó thường không chân thành, ngay cả khi đó là sự thật. Tại nơi làm việc, bạn có thể nhận thấy rằng đồng nghiệp cố gắng khiến người khác làm việc bằng cách khen ngợi. Ban đầu có thể được đánh giá cao, nhưng theo thời gian, nó trở nên sáo rỗng và hạ thấp giá trị thật sự của lời khen.

Bạn nhận thấy nhiều nụ cười giả tạo

Khi mọi người thực sự hạnh phúc và tận hưởng ngày của mình, bạn sẽ nhận thấy những nếp nhăn ở khóe mắt, điều này cho thấy một nụ cười thật sự. Tuy nhiên, khi ai đó cố che đậy cảm xúc thật của mình, bạn có thể nhận ra những gì họ thực sự cảm thấy qua các biểu cảm nhỏ trên khuôn mặt! 

Ít có sự đổi mới 

Tích cực độc hại cũng có thể giảm sự sáng tạo và đổi mới trong nơi làm việc. Khi nhân viên được bảo “Ngừng tập trung vào vấn đề” hoặc “Mọi thứ đều ổn,” họ có thể cảm thấy như họ không thể xác định hoặc bày tỏ nguồn gốc của vấn đề, chấp nhận rủi ro, hoặc chia sẻ ý tưởng độc đáo của mình để giải quyết vấn đề. Kết quả là, tích cực độc hại có thể khiến nhân viên cảm thấy bị bó buộc và buồn chán, giảm sự sáng tạo và đổi mới theo thời gian.

Tại sao tích cực độc hại lại nguy hiểm?

Tích cực độc hại là gì? Sự nguy hiểm của tình trạng với cho dân văn phòng

Tích cực độc hại có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực, đặc biệt đối với những người đang trải qua thời gian khó khăn. Thay vì được chia sẻ cảm xúc chân thật và nhận được sự hỗ trợ từ những người xung quanh, họ thường bị phớt lờ, từ chối hoặc phủ nhận cảm xúc của mình do: 

Kích hoạt sự xấu hổ 

Khi phải đối mặt với tích cực độc hại, người ta có thể cảm thấy xấu hổ vì cảm xúc của mình bị coi là không thể chấp nhận. Khi ai đó đang đau khổ, họ cần biết rằng cảm xúc của họ là hợp lý và rằng họ có thể tìm thấy sự an ủi và yêu thương từ bạn bè và gia đình. 

Nghiên cứu của PTSD UK đã chỉ ra rằng khoảng 52% người mắc rối loạn ăn uống có lịch sử trải qua chấn thương tâm lý, và cảm giác xấu hổ này có liên quan mật thiết đến các vấn đề sức khỏe tâm thần, bao gồm rối loạn ăn uống và rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD)​.

Cô lập với người khác 

Áp lực phải tuân thủ tiêu chuẩn không thực tế này có thể cô lập các cá nhân, ngăn cản họ tìm kiếm sự hỗ trợ mà họ cần từ người khác. Khi cảm xúc của họ bị từ chối hoặc phủ nhận, họ có thể cảm thấy mình không được thấu hiểu và không được hỗ trợ, dẫn đến cảm giác cô đơn và tách biệt.

Mất tự tin vào bản thân 

Tích cực độc hại nuôi dưỡng cảm giác không trung thực, ngắt kết nối họ với con người thật của mình và có thể ngăn họ giải quyết các vấn đề tiềm ẩn, làm trầm trọng thêm căng thẳng lâu dài. Khi mọi người phải giả vờ rằng họ luôn vui vẻ và tích cực, họ bắt đầu nghi ngờ cảm xúc thật của mình và mất đi sự tự tin vào khả năng đánh giá tình huống của mình.

Ngăn cản sự phát triển

Tích cực độc hại khiến chúng ta tránh né những cảm xúc đau đớn, nhưng điều này lại từ chối cơ hội để đối mặt và trưởng thành từ những thử thách. Đối diện với những cảm xúc khó khăn có thể dẫn đến sự trưởng thành và nhận thức sâu sắc hơn.

Giải pháp giúp bạn “vui thật lòng” 

Tích cực độc hại là gì? Giải pháp giúp bạn vượt qua tích cực độc hại

Hầu hết mọi người đều có ý tốt, nhưng hành động của họ có thể gây ra những tác động không mong muốn. Vậy làm thế nào để duy trì sự lạc quan mà không rơi vào tích cực độc hại? 

Dưới đây là một số cách để cân bằng và áp dụng cho bản thân hoặc người khác, nhằm biến ý định tốt thành những tác động tích cực thực sự.

Quản lý cảm xúc tiêu cực

Không có cảm xúc nào là đúng, sai, tốt hay xấu. Mọi cảm xúc đều là một phần của trải nghiệm của con người. Khi chúng ta vội vàng hướng tới sự tích cực không kiểm soát, chúng ta có thể bỏ qua những trải nghiệm thật sự và đôi khi sẽ gây nên tổn thương về sau. 

Thừa nhận và ngồi lại với những cảm xúc tiêu cực không làm chúng tồi tệ hơn. Trái lại, sự đồng cảm và nhẹ nhàng khi bạn hoặc ai đó xung quanh bạn đang gặp khó khăn sẽ giúp xử lý những cảm xúc đó nhanh hơn so với việc bỏ qua hoặc đàn áp chúng. Cảm xúc cũng cần được trưởng thành mà, phải không?

Đồng cảm trước, đồng giải quyết sau

Khi đối mặt với phàn nàn hoặc sự tiêu cực, bản năng tự nhiên của chúng ta thường là cố gắng làm người đó hoặc bản thân cảm thấy tốt hơn càng nhanh càng tốt. Nhưng đôi khi, vai trò của chúng ta là lắng nghe và đồng cảm trước khi nhảy vào chế độ giải quyết vấn đề.

Mỗi người có một cách làm việc riêng. Trong bài kiểm tra DISC, nhóm S (Steadiness) thường dễ đồng cảm với người khác hơn. Những người thuộc nhóm S thường có tính cách kiên nhẫn, hòa nhã và thích giúp đỡ người khác. Còn nếu bạn là người nhóm D (Dominance) bạn cần học tính nhẫn nại nhiều hơn. 

Nhớ rằng “Không ổn cũng không sao” 

Phát triển một thái độ rằng "không ổn cũng không sao." Thay vì có quan điểm rằng cảm xúc tiêu cực là sai, hãy chấp nhận rằng việc lúc nào cũng ổn là không thực tế. Nhắc nhở bản thân rằng nếu ai đó không cảm thấy ổn, điều đó hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Khi cảm thấy quá tải, hãy nghỉ ngơi

Đôi khi, chúng ta khó có thể tạm rời khỏi vấn đề vì sợ bỏ dở công việc. Nhưng nghỉ ngơi thực sự có thể giúp chúng ta giải quyết vấn đề nhanh hơn và hiệu quả hơn sau này. Nghiên cứu cho thấy rằng nghỉ ngơi có thể tăng năng suất và tập trung. Não của bạn vẫn hoạt động ngầm để giải quyết vấn đề trong thời gian này.

Lời kết

Chúng ta đều muốn cảm thấy tích cực và lạc quan, nhưng chúng ta cũng không thể mong đợi bản thân hoặc người khác luôn cảm thấy như vậy mọi lúc. Tuy nhiên, bạn nên hiểu rằng chúng ta không mất gì khi đối diện với sự thật. Bạn chấp nhận “dải cảm xúc” của mình và đồng cảm cho người khác, đó mới là điều cốt lõi. 

Hiểu mình, hiểu người để xử lý tốt hơn trong mọi tình huống, tracnghiemtinhcach.vn sẽ luôn đồng hành cùng bạn để vượt qua mọi khó khăn thông qua bài test tính cách DISC. Hãy theo dõi và chờ đón những bài viết tiếp theo nhé!

messenger