bookmark

Table of content

Imposter syndrome là gì? Tại sao ngồi bàn giấy cũng mắc “hội chứng kẻ giả mạo”?

Imposter syndrome là gì? Rất nhiều người đã từng mắc “hội chứng kẻ giả mạo”. Liệu bạn có phải một trong số họ?

Imposter syndrome là gì? Tại sao ngồi bàn giấy cũng mắc “hội chứng kẻ giả mạo”?

Jul. 25, 2024, 9:49 AM

By Admin

 Imposter syndrome là gì? Dân văn phòng và “hội chứng kẻ giả mạo”

Đây không phải là một vai trò trong game “Imposter”. Imposter syndrome là hội chứng kẻ mạo danh. 

Nếu bạn trả lời “Có” khi được hỏi  Bạn có bao giờ cảm thấy như bạn không thuộc về nơi làm việc của bạn không? Bạn có nghi ngờ khả năng và thành tích của mình, ngay cả khi người khác khen ngợi bạn không? Bạn có thể đang gặp phải hội chứng này và bạn không phải ngoại lệ. 

Imposter syndrome hay hội chứng kẻ mạo danh là gì? 

Hội chứng kẻ mạo danh, hay imposter syndrome, là một trạng thái tâm lý mà người mắc phải luôn cảm thấy mình không xứng đáng với thành công mà họ đạt được. Họ sợ rằng sẽ bị người khác phát hiện là "kẻ lừa dối" và phủ nhận những thành tựu của mình, dù có bằng chứng rõ ràng về khả năng và thành công của họ. 

Hội chứng kẻ mạo danh không phải là một bệnh tâm thần có thể chẩn đoán được.Theo nghiên cứu trên tạp chí International Journal of Behavioral Science, khoảng 70% người từng trải qua cảm giác này ít nhất một lần trong đời . Vậy điều gì khiến nhiều người gặp phải cảm giác này đến vậy?

Chu trình hành vi của một người mạo danh (The imposter cycle) 

Chu trình này bắt đầu từ cảm giác áp lực phải đạt được thành tích cao. Khi đối diện với một nhiệm vụ, người mắc hội chứng này thường hoặc là chuẩn bị quá mức cần thiết hoặc trì hoãn. Nếu họ thành công, họ sẽ cho rằng thành công đó là do may mắn hoặc do người khác giúp đỡ. 

Ngược lại, nếu thất bại, họ sẽ cảm thấy mình đúng là kẻ lừa dối. Chu trình này tiếp tục lặp đi lặp lại, khiến họ luôn cảm thấy tự nghi ngờ và không xứng đáng với thành công của mình .

Điều gì gây ra hội chứng kẻ mạo danh?

Hội chứng kẻ mạo danh có nhiều nguyên nhân khác nhau. Những nguyên nhân chính dưới đây giúp giải thích vì sao nhiều người cảm thấy mình không xứng đáng với thành công mà họ đạt được:

Chủ nghĩa hoàn hảo

Những người cầu toàn luôn đặt ra những tiêu chuẩn rất cao và không thực tế cho bản thân. Họ khát khao trở thành người xuất sắc nhất trong nhóm của mình khi luôn muốn được vinh danh là nhân viên của tháng, đứng đầu lớp, nhanh nhất, thông minh nhất, và năng suất nhất. 

Nhưng khi họ mắc sai lầm hoặc không đạt được những tiêu chuẩn không thể với tới đó, họ cảm thấy vô cùng xấu hổ và tự thấy bản thân họ không xứng đáng. Nếu xung quanh họ là  những người tài giỏi hoặc có kỹ năng cao, họ càng dễ nản lòng và tự đánh giá thấp khả năng của mình.

Kỳ vọng của gia đình, xã hội 

Áp lực từ gia đình và xã hội hay peer pressure cũng góp phần lớn vào việc hình thành hội chứng kẻ mạo danh. Những kỳ vọng cao từ người thân, cùng với sự so sánh với người khác, khiến họ cảm thấy mình luôn phải chứng tỏ bản thân.

Môi trường làm việc

Môi trường làm việc cạnh tranh và đòi hỏi cao cũng là một yếu tố quan trọng. Những người làm việc trong các ngành nghề đòi hỏi kỹ năng cao hoặc trong môi trường có sự giám sát chặt chẽ dễ cảm thấy mình không đủ tốt. Sự thiếu vắng hỗ trợ từ đồng nghiệp và cấp trên càng làm tăng cảm giác cô lập và lo lắng .

Khác biệt với đồng nghiệp 

Những khác biệt về văn hóa, giới tính, hoặc nền tảng giáo dục có thể khiến một người cảm thấy lạc lõng và không thuộc về môi trường làm việc của mình. Điều này đặc biệt đúng với những người là thiểu số trong môi trường làm việc của họ. Họ thường cảm thấy mình phải làm việc gấp đôi để được công nhận như các đồng nghiệp khác .

Mạng xã hội

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng mạng xã hội có thể ảnh hưởng xấu đến sự tự tin và lòng tự trọng của bạn. Khi bạn nhìn thấy những thành công và khoảnh khắc đẹp của bạn bè trên mạng, dễ dàng cảm thấy mình kém cỏi. 

Khảo sát năm 2023 trên người dùng LinkedIn cho thấy việc lướt qua các bài đăng của người khác khiến nhiều người có suy nghĩ tự ti. Những suy nghĩ này có thể dẫn đến cảm giác lo lắng và chán nản

Các dấu hiệu nhận biết hội chứng kẻ mạo danh 

Imposter syndrome là gì? Cách “nhìn phát biết ngay” ai là “Imposter”

Đôi khi tất cả chúng ta đều nghi ngờ bản thân. Vì vậy, bạn có thể tự hỏi hội chứng kẻ mạo danh cảm thấy như thế nào. Dưới đây là những đặc điểm phổ biến nhất của hội chứng kẻ mạo danh:

Không tin vào bản thân 

Những người mắc hội chứng kẻ mạo danh thường không tin tưởng vào khả năng và giá trị của bản thân. Họ luôn tự nghi ngờ, cho rằng mình không đủ giỏi và không xứng đáng với thành công mà mình đã đạt được. 

Khi nghe một lời khen, bạn thường có những cái cớ như "Tôi chỉ may mắn" hoặc "Sếp của tôi nói điều đó với mọi người". Dù có bao nhiêu lời khen ngợi hay thành tựu, họ vẫn cảm thấy không đủ và luôn lo sợ bị người khác phát hiện ra "sự thật" về mình.

Sợ thất bại 

Ý nghĩ về thất bại khiến bạn sợ hãi vì nó gợi lên cảm giác xấu hổ sâu sắc. Nó củng cố câu chuyện nội tâm rằng bạn là một kẻ giả mạo, rằng bạn không thuộc về nơi này. Thất bại dường như đưa bạn đến gần hơn với việc bị lộ là kẻ lừa đảo. Để tránh thất bại, bạn thường làm việc quá sức và chuẩn bị quá mức.

Phủ nhận thành công 

Những người mắc hội chứng kẻ mạo danh thường phủ nhận hoặc hạ thấp thành công của mình. Họ cho rằng thành công của mình là do may mắn, tình cờ, hoặc sự giúp đỡ của người khác, thay vì công nhận nỗ lực và tài năng của bản thân.

Khi nhận được lời khen ngợi, họ thường cảm thấy không xứng đáng và cố gắng chuyển hướng chủ đề hoặc giảm nhẹ ý nghĩa của thành công đó. 

Vậy ai là người dễ mắc imposter syndrome? 

Sự thật là hầu hết chúng ta đều trải qua hội chứng kẻ mạo danh vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống. Trong đó, có hai giai đoạn dễ mắc hội chứng này nhất, đó là: 

Người mới đi làm (newbie)

Nếu bạn chưa quen với một vai trò, lĩnh vực hoặc tổ chức, bạn có thể cảm thấy như bạn thiếu kiến thức, kỹ năng hoặc kinh nghiệm để thực hiện tốt. Bạn cũng có thể cảm thấy mình là một kẻ mạo danh so với những người đã ở đó lâu hơn hoặc có nhiều chuyên môn hơn.

Nhà lãnh đạo (leader)

Các nhà lãnh đạo, dù đã đạt được nhiều thành công và có vị trí cao trong tổ chức, cũng có thể mắc hội chứng kẻ mạo danh. Họ thường cảm thấy áp lực phải luôn hoàn hảo và không được phép mắc sai lầm. Sự kỳ vọng từ phía cấp dưới, đồng nghiệp và cấp trên khiến họ lo lắng rằng mình không đủ giỏi để xứng đáng với vai trò lãnh đạo.

Người hay “nhảy việc” 

Những người đang chuyển đổi nghề nghiệp hoặc bắt đầu một công việc mới sau một thời gian dài cũng dễ mắc hội chứng kẻ mạo danh. Họ có thể cảm thấy mình không đủ kiến thức hoặc kỹ năng cần thiết trong lĩnh vực mới, dẫn đến cảm giác lo lắng và tự nghi ngờ.

Người làm việc trong lĩnh vực sáng tạo

Những người làm việc trong lĩnh vực sáng tạo như nghệ sĩ, nhà văn, và nhà thiết kế cũng dễ mắc hội chứng kẻ mạo danh. Bản chất của công việc sáng tạo thường không có tiêu chuẩn đánh giá rõ ràng, và sự đánh giá của người khác có thể rất chủ quan. Do đó, họ cảm thấy mình không đủ tài năng hoặc không xứng đáng với sự công nhận mà họ nhận được.

7 loại hội chứng kẻ mạo danh phổ biến 

 Imposter syndrome là gì? Phân loại các hội chứng kẻ mạo danh

Hội chứng kẻ mạo danh xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Tiến sĩ Valerie Young đã định nghĩa năm loại chính và hai loại phụ trong cuốn sách "The Secret Thoughts of Successful Women: Why Capable People Suffer: Hãy xem bạn có nhận ra mình trong bất kỳ mẫu suy nghĩ và hành vi nào dưới đây không: 

The Perfectionist (Người cầu toàn)

Đúng như tên gọi, kiểu người này phải chắc chắn rằng mọi thứ đều được thực hiện hoàn hảo. Đối với họ, đạt được một kết quả hoặc hoàn thành một nhiệm vụ chưa bao giờ là đủ. 

Cảm xúc thực chất: Sợ mất kiểm soát.

The Expert (Chuyên gia)

“Tôi phải có tất cả các chứng chỉ trước khi nghĩ đến việc ứng tuyển vào công việc này.” Kiểu người này cảm thấy nhu cầu bắt buộc phải có tất cả kiến thức và kinh nghiệm trước khi thử sức với công việc. Họ sợ bị coi là không đủ giỏi.

Cảm xúc thực chất: Sợ sự thiếu thốn.

The Natural Genius (Thiên tài bẩm sinh)

Thiên tài bẩm sinh tin rằng mình phải làm đúng ngay từ đầu và sợ thất bại. Họ ít nỗ lực nhưng thường đạt kết quả tốt, cho đến khi đối mặt với thách thức thực sự.

Cảm xúc thực chất: Sợ thất bại. 

The Soloist ( Nghệ sĩ độc tấu)

Giống như “the natural genius”, kiểu người này không muốn nhận sự hỗ trợ từ người khác để làm việc. Tuy nhiên, “Nghệ sĩ độc tấu” không chỉ không muốn nhờ giúp đỡ mà còn ghét người khác can thiệp vào công việc của mình. Họ không muốn nhờ giúp đỡ dù trong bất kỳ tình huống nào vì việc này khiến họ cảm thấy bị lộ ra những gì họ không biết hoặc không thể làm.

Cảm xúc thực chất: Sợ được giúp đỡ. 

The Superperson (Người “nghiện công việc”)

Kiểu người này phát triển nhờ việc khoe khoang khả năng đảm nhận nhiều công việc trong một khoảng thời gian ngắn. Họ sẵn sàng làm việc thêm giờ để đạt được sự công nhận từ đồng nghiệp và quản lý. Họ cố gắng chứng tỏ rằng họ có thể xử lý bất kỳ điều gì.

Cảm xúc thực chất: Sợ thời gian rảnh rỗi 

The Noticer ( Người nhận biết)

Kiểu người này không thể tự hào về công việc của mình hoặc bản thân mình vì họ luôn nhìn thấy những điều chưa hoàn hảo. Dù là sản phẩm công việc, cuộc họp hay trang phục họ mặc. 

Người nhận biết dễ dàng tha thứ cho người khác nhưng không bao giờ mở lòng với chính mình. Khi một dự án khó khăn kết thúc, Người nhận biết cảm thấy nhẹ nhõm, mệt mỏi hơn là phấn khích.

Cảm xúc thực chất: Sợ cảm giác “không thuộc về đâu” 

The Discounter ( Người thường hạ thấp) 

Người hạ thấp tự động lý giải thành tích của mình là do ngẫu nhiên hoặc không đáng kể. “Mọi người nghĩ tốt về tôi chỉ vì họ không biết gì cả.” Kiểu người này không đánh giá cao hoặc không tin tưởng vào mạng lưới hỗ trợ của mình.

Họ nghi ngờ chất lượng hoặc mức độ cạnh tranh trong bất kỳ nỗ lực nào mà họ thành công và xấu hổ khi chia sẻ điều gì đó mà “ai cũng có thể làm được”.

Cảm xúc thực chất: Cảm giác không đủ 

Ảnh hưởng của hội chứng kẻ mạo danh đến dân “bàn giấy”

Trải qua hội chứng kẻ mạo danh có thể rất khó khăn. Nếu bạn không đối mặt với cảm giác nghi ngờ bản thân, chúng có thể có ảnh hưởng bất lợi đến các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống của bạn, bao gồm:

Dễ mắc hội chứng tâm lý 

Hội chứng kẻ mạo danh có thể góp phần vào căng thẳng, các hội chứng lo âu xã hội (Social phobia) và trầm cảm. Bạn có thể cảm thấy “choáng ngợp” bởi nỗi sợ thất bại. Bạn thường có một ngày làm việc tồi tệ khi phải trải qua tâm trạng “tụt mood”, cáu kỉnh hoặc tuyệt vọng.

Mặc dù một số người nói rằng tự nghi ngờ đi kèm với thành công do người thành công luôn suy xét nhiều khía cạnh, nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng.

Suy yếu lòng tự trọng và sự tự tin 

Hội chứng kẻ mạo danh có thể làm suy yếu lòng tự trọng và sự tự tin của bạn. Bạn liên tục cảm thấy mình không đủ khả năng dù bản thân đã tích lũy được một số thành tựu riêng. Do đó, bạn tự ti khi làm việc độc lập. Điển hình như việc bạn có thể dẹp bỏ ý định làm freelancer do bạn sợ mình không “kham nổi” khi có quá nhiều rủi ro. 

Cản trở con đường sự nghiệp 

Hội chứng kẻ mạo danh có thể cản trở sự phát triển và tiến bộ nghề nghiệp của bạn. Bạn có thể tránh chấp nhận rủi ro, theo đuổi các cơ hội thăng tiến hoặc ứng tuyển vào các vị trí cao hơn do sợ thất bại. Bạn cũng có thể thiếu tự tin để thương lượng để được trả lương hoặc lợi ích tốt hơn.

Burn out (kiệt sức) 

Làm việc quá sức và căng thẳng liên tục để chứng tỏ giá trị của bản thân có thể dẫn đến kiệt sức. Họ thường cảm thấy phải làm việc gấp đôi so với người khác để được công nhận, thậm chí nhiều người còn trở thành một “workaholic” - người cuồng công việc. 

Bạn luôn cố gắng hoàn thành công việc một cách hoàn hảo, không cho phép bản thân nghỉ ngơi hay phạm lỗi. Điều này dẫn đến tình trạng burn out - kiệt sức về cả thể chất lẫn tinh thần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của chính mình.

Làm thế nào để vượt qua hội chứng kẻ mạo danh?

Imposter syndrome là gì? Cách vượt qua hội chứng kẻ mạo danh

Để có thể vượt qua được hội chứng phổ biến này, bạn hãy làm theo các phương pháp sau: 

Thừa nhận cảm xúc của mình 

Thừa nhận cảm xúc của bạn và nhận ra chúng là hội chứng kẻ mạo danh. Bằng cách đặt tên cho những cảm xúc này. Đối diện sẽ giúp bạn ngăn chặn các cảm xúc này “leo thang”. 

Hãy nhớ rằng bạn không phải người duy nhất mắc hội chứng này, rất nhiều người thành công đã trải qua nó vào một thời điểm nào đó trong sự nghiệp của họ. 

“Thu gom” những thành tích của mình 

Hãy dành thời gian ghi lại tất cả những thành tích của mình, dù lớn hay nhỏ, vào nhật ký, bảng tính hoặc thư mục. Bằng cách này, bạn có thể dễ dàng theo dõi tiến trình của mình và nhận ra những gì bạn đã đạt được. 

Xem lại những thành tích và phản hồi tích cực này thường xuyên. Sử dụng chúng như là bằng chứng về năng lực và thành công của bạn. Hành động này không phải sự ái kỷ, đây là cách để bạn nhìn nhận bản thân xem bạn đã đi được bao xa và nhắc nhở bạn về chính điểm mạnh của mình.  

Ngừng so sánh với người khác

Ngừng so sánh bản thân với người khác và tập trung vào sự tiến bộ và thành tích của chính bạn. Mọi sự so sánh đều khập khiễng và thường chúng ta chỉ nhìn được những điểm nổi bật của người khác chứ không phải những khó khăn của họ. 

Mỗi người có một cá tính khi làm việc, một trong số đó có thể nổi bật hơn các tính cách khác. Ví dụ như người nhóm D và người nhóm I trong bài test DISC thường hướng ngoại hơn người nhóm S và nhóm C. Do đó, thành tích của họ thường dễ nhận thấy hơn. Mọi người đều có điểm mạnh, điểm yếu, thách thức và cơ hội của riêng họ. 

Thay vì đo lường bản thân với người khác, hãy đo lường bản thân theo tiêu chuẩn của riêng bạn. 

Nuôi dưỡng tư duy phát triển 

Nuôi dưỡng tư duy phát triển thay vì tư duy cố định. Tư duy phát triển là niềm tin rằng bạn có thể cải thiện kỹ năng và khả năng của mình thông qua nỗ lực và phản hồi. Tư duy cố định là niềm tin rằng bạn được sinh ra với một mức độ tài năng hoặc trí thông minh nhất định không thể thay đổi.

Việc bạn cần làm để sở hữu tư duy phát triển là: 

  • Nắm bắt những thách thức như những cơ hội để phát triển hơn là những mối đe dọa
  • Tìm kiếm phản hồi như một cách để học hơn là một cách để đánh giá
  • Xem sai lầm là bài học hơn là thất bại
  • Coi trọng nỗ lực hơn là kết quả
  • Đánh giá cao sự thành công của người khác hơn là cảm thấy bị đe dọa bởi nó
  • Cố gắng xem những thách thức là cơ hội để phát triển hơn là những mối đe dọa.

Lời kết 

Hội chứng kẻ mạo danh có thể trở thành một trở ngại nghiêm trọng trong sự nghiệp của bạn và thậm chí ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn ngoài công việc. Mặc dù việc áp dụng các chiến lược trong bài viết này có thể giúp bạn vượt qua hội chứng kẻ mạo danh nhưng bạn sẽ cần thời gian và sự kiên nhẫn.

Do đó, tracnghiemtinhcach.vn sẽ luôn đồng hành cùng bạn qua bài test tính cách DISC. Bài test sẽ cung cấp cho bạn góc nhìn khách quan nhất về bản thân để bạn tự tin và đi đúng con đường sự nghiệp của mình! 

messenger