bookmark

Table of content

Trust issue là gì? Khi đồng nghiệp và sếp là những kẻ hay nghi vực

Trust issue là gì? Liệu Môi Trường Làm Việc Của Bạn Có Đang Thiếu Lòng Tin? Đọc bài viết để biết ngay sự thật.

Trust issue là gì? Khi đồng nghiệp và sếp là những kẻ hay nghi vực

Jun. 21, 2024, 10:16 AM

By Admin

"Được lòng ta, ra lòng người" - lòng tin là nền tảng vững chắc để xây dựng mối quan hệ trong cuộc sống và môi trường làm việc. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng gặp may mắn có được những người đáng tin và “sẵn sàng tin”. Vậy, làm thế nào để nhận biết và xử lý những vấn đề về lòng tin (trust issues) trong cuộc sống? 

Bài viết dưới đây sẽ trả lời cho mọi thắc mắc và giúp bạn vượt qua mọi rào cản về trust issue. 

Theo cuộc khảo sát Edelman "Trust Barometer" với 33,000 người tại 28 quốc gia, cứ ba người thì có một người không tin tưởng sếp của họ. Vậy, trust issue là gì và nó ảnh hưởng như thế nào đến môi trường làm việc? Bài blog này sẽ giải đáp mọi thắc mắc về trust issue cũng như cách để bạn xây dựng và duy trì niềm tin trong cuộc sống của bạn. 

Trust issue là gì? 

Khái niệm trust issues 

Trust issue, hay còn gọi là vấn đề về lòng tin, là tình trạng một người gặp khó khăn trong việc đặt niềm tin vào người khác. Những người mắc phải trust issue thường có xu hướng hoài nghi, nghi ngờ và giám sát kỹ lưỡng các tình huống xung quanh họ. Trust issue được định hình bởi 3 thành tố chính là sự phản bội (betrayal), bỏ rơi (abandonment) và thao túng (manipulation/gaslighting), những yếu tố này dẫn đến việc họ mất đi khả năng tin tưởng người khác và luôn cảnh giác trước mọi tình huống. 

Đối với môi trường công sở, trust issue là tình trạng nhân viên gặp khó khăn trong việc đặt niềm tin vào đồng nghiệp hoặc lãnh đạo của mình. Trust issues công sở có thể dẫn đến sự hoài nghi, căng thẳng, giảm hiệu suất làm việc và sự gắn kết trong tổ chức.

Trust issues có phải bệnh lý không? 

Có lẽ đây là một câu hỏi bạn và mọi người đều thắc mắc. Thực chất, trust issues không phải là một bệnh tâm thần được chẩn đoán chính thức, nhưng chúng có thể là triệu chứng hoặc kết quả của một số rối loạn tâm thần khác như rối loạn lo âu xã hội (Social phobia), rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), rối loạn nhân cách ranh giới (BPD), rối loạn lo âu tổng quát (GAD), và rối loạn trầm cảm. Người mắc rối loạn lo âu xã hội thường lo sợ bị phán xét hoặc từ chối, khiến họ khó tin tưởng và mở lòng với người khác.

Đối với dân công sở, trust issue là một vấn đề xảy ra thường ngày khi đi làm. Theo nghiên cứu của Edelman Trust Barometer, chỉ có 49% người lao động toàn cầu tin tưởng vào tổ chức mà họ đang làm việc. Có thể nói, môi trường công sở là một “xã hội thu nhỏ”, do đó, các hoạt động giao tiếp, cạnh tranh hay hợp tác đều mang tính phức tạp hơn và rất dễ dàng để tình trạng trust issues xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau. 

4 kiểu trust issues thường gặp trong môi trường công sở 

Trust issues không chỉ tồn tại trong mối quan hệ lãng mạn mà còn phổ biến trong môi trường làm việc. Dưới đây là 4 kiểu trust issues thường gặp nhất trong môi trường công sở:

Nỗi sợ tin tưởng (Pistanthrophobia) 

Bạn có bao giờ cảm thấy e dè khi đặt niềm tin vào đồng nghiệp hay sếp của mình?

Đương nhiên trust issue thì chắc chắn liên quan đến việc sợ tin tưởng người khác đúng không? Đúng vậy, các chuyên gia gọi đó là Pistanthrophobia - nỗi sợ tin tưởng.  Theo một nghiên cứu từ Harvard Business Review, 29% nhân viên không cảm thấy được tin tưởng bởi lãnh đạo của họ, Điều người đi làm sợ nhất là sợ bị phản bội, nói xấu và lợi dụng trong công việc. Có rất nhiều nguyên do dẫn đến tâm lý này, tuy nhiên phần nhiều là do những trải nghiệm tiêu cực trong “môi trường tư bản” của họ. Nỗi sợ này làm nỗi sợ vốn có trở nên căng thẳng và lo âu hơn và tất nhiên sẽ dẫn đến việc bạn sợ hợp tác và làm việc với cộng sự của mình. 

Ghen tị (Professional Jealousy)

Ghen tị hoặc đố kỵ đều là những cảm xúc đâu đó ai cũng có. Và ở môi trường công sở, ghen tị sẽ dễ dàng phát triển nhất. Vì chúng ta đều mong muốn mình có một vị thế nhất định trong phòng ban. Vậy ghen tị có liên quan gì đến trust issue? Khi họ ghen tị với đồng nghiệp, họ sẽ không tin tưởng người đồng nghiệp ấy vì họ nghĩ họ có thể bị sa thải hoặc bị thay thế nếu không làm tốt. 

Vạch lá tìm sâu (Hypervigilance)

Vạch lá tìm sâu là tình trạng nhân viên thường xuyên "soi mói", "bắt bẻ" và chỉ ra những sai sót, lỗi lầm của đồng nghiệp hoặc sếp, xuất phát từ suy nghĩ thiếu niềm tin và nghi ngờ họ. Tình trạng này không chỉ tạo ra một không khí làm việc căng thẳng mà còn làm suy giảm sự hợp tác và tinh thần đồng đội của tổ chức. 

Bất tín với chính mình (Self-doubt in Professional Decisions)

Bất tín với chính mình (self-doubt) là tình trạng nhân viên thiếu tự tin vào quyết định và khả năng của mình. Họ luôn tự hỏi “"Liệu quyết định này có đúng không?", "Đồng nghiệp có đánh giá cao công việc của mình không?" hay "Mình có đủ khả năng để hoàn thành nhiệm vụ này không?".

Dấu hiệu nhận biết trust issue trong công việc? 

Không dễ để có thể nhận biết nhân viên hoặc đồng nghiệp đang gặp phải trust issue, nhưng có một số dấu hiệu phổ biến có thể giúp bạn nhận diện vấn đề này:

Ngại giao tiếp

  • Nhân viên tránh tham gia vào các cuộc họp hoặc thảo luận nhóm.
  • Họ ít chia sẻ ý tưởng hoặc thông tin, lo sợ rằng chúng sẽ bị lạm dụng hoặc bị đổ lỗi.

 Cảnh giác quá mức

  • Nhân viên luôn đề phòng và nghi ngờ động cơ của đồng nghiệp.
  • Họ cảm thấy không an toàn và luôn cảnh giác trong mọi tình huống làm việc.

 Trì hoãn quyết định

  • Các quyết định quan trọng thường bị trì hoãn do thiếu niềm tin vào thông tin hoặc ý kiến của người khác.
  • Họ thường thể hiện sự chậm trễ trong tiến độ công việc và giảm hiệu quả làm việc.

Thiếu cam kết

  • Nhân viên không muốn cam kết lâu dài với công ty hoặc dự án, lo sợ rằng họ sẽ bị phản bội hoặc không được đánh giá cao.
  • Họ có xu hướng tìm kiếm các cơ hội khác và không gắn bó với công việc hiện tại.

Nguyên nhân dẫn đến trust issue tại nơi công sở

Do đâu mà trust issues lại dễ dàng xảy ra tại môi trường làm việc? Dưới đây là những nguyên nhân chính:

Thiếu minh bạch trong giao tiếp

Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự sụp đổ niềm tin. Khi thông tin không được truyền đạt rõ ràng, đầy đủ, nhân viên dễ dàng cảm thấy hoang mang, lo lắng và thậm chí là “FOMO trong công việc”.  Việc thiếu minh bạch có thể xuất hiện ở nhiều cấp độ, từ việc che giấu thông tin quan trọng, đưa ra quyết định thiếu công bằng, đến việc hứa hẹn suông mà không thực hiện. 

Một báo cáo của Deloitte chỉ ra rằng nếu nhân viên không tin tưởng rằng doanh nghiệp sẽ thực hiện các cam kết đã đưa ra, mức độ gắn kết của họ có thể giảm xuống, và khả năng họ sẽ rời khỏi tổ chức tăng lên 87%​. 

Trò chơi đổ lỗi 

Khi xảy ra lỗi lầm, thay vì tìm cách giải quyết và học hỏi từ sai lầm, một số nhân viên hoặc lãnh đạo lại cố gắng tìm người chịu trách nhiệm để đổ lỗi, biến văn phòng thành một “trận chiến” của chính trị công sở.  Do đó, môi trường làm việc sẽ càng căng thẳng và thiếu sự cảm thông cũng như các nhân viên sẽ luôn e ngại, đề phòng lẫn nhau. Vì vậy, khi nhân viên cảm thấy họ có thể trở thành mục tiêu của việc đổ lỗi bất cứ lúc nào, họ sẽ khó có thể đặt niềm tin vào các cộng sự và lãnh đạo.

Hành động không nhất quán

Lãnh đạo hoặc quản lý là những người đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng niềm tin nơi công sở. Tuy nhiên, nếu họ có những hành động không nhất quán, “nói một đằng làm một nẻo”, thì sẽ khiến nhân viên cảm thấy hoang mang, mất niềm tin và thiếu động lực làm việc.

Môi trường làm việc độc hại

Cuối cùng, một môi trường làm việc độc hại là nguyên nhân chính làm gia tăng trust issues. Bởi vì môi trường bao gồm nhiều hành vi tiêu cực như ghen ghét, đố kỵ, và thiếu tôn trọng hoặc nhân viên là nạn nhân của kẻ ái kỷ (nacrrism) hay của “vở kịch thao túng” của gaslighter. Chính nguyên do này khiến họ không thể tin tưởng vào đồng nghiệp hay quản lý của mình. 

Trust issue huỷ hoại môi trường làm việc như thế nào? 

Giảm sự gắn kết và năng suất của nhân viên

Liệu bạn có thể cống hiến hết mình khi luôn cảm thấy lo lắng, e dè, thiếu động lực và không tin tưởng vào đồng nghiệp, lãnh đạo? Niềm tin là sợi dây kết nối con người, tạo nên động lực và tinh thần trách nhiệm trong công việc. Do đó, khi thiếu niềm tin, nhân viên sẽ cảm thấy không an toàn, thiếu động lực và e dè trong mọi hành động. Họ ngại hợp tác, chia sẻ ý tưởng vì sợ bị lợi dụng hoặc đổ lỗi, dẫn đến giảm sút tinh thần đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau.

Gây ra sự trì trệ và lãng phí

Môi trường thiếu sự tin tưởng, nhân viên chỉ muốn bảo vệ bản thân, đội nhóm sẽ thiếu động lực, thiếu động lực dẫn đến năng suất không cao, kết quả cuối cùng không tốt. Đó là quy trình hoàn toàn có thể xảy ra và chính điều đó làm việc kiểm tra, giám sát phải chặt chẽ hơn, tốn thời gian và tài nguyên hơn. 

Dẫn đến các vấn đề tâm lý khác

Khi một nhân viên quá thiếu tin tưởng với doanh nghiệp, đồng nghiệp trong một khoảng thời gian dài, chắc chắn sẽ dẫn đến các hệ quả khác, đặc biệt là đối với sức khoẻ tâm lý. Nhân viên có thể cảm thấy căng thẳng, lo âu và bị áp lực, dẫn đến tình trạng kiệt sức và giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí có thể mắc hội chứng rối loạn lo âu xã hội (Social phobia). Dần dà tình trạng này có thể tác động tiêu cực đến không khí làm việc chung của toàn bộ tổ chức khi có nhiều nhân viên nghỉ việc, rời bỏ công việc. 

5 Giải pháp để dân văn phòng tin tưởng nhau hơn

Tin bản thân mình trước 

Để có thể tin người khác, trước hết, bạn phải tin chính mình. Hãy dành thời gian để hiểu rõ bản thân, điểm mạnh, điểm yếu và giá trị của mình thông qua các hoạt động như thiền định, đọc sách, "healing," hoặc làm các bài test trắc nghiệm tính cách DISC. Bài test này giúp bạn hiểu rõ xu hướng cá nhân, xác định những khía cạnh dễ bị ảnh hưởng bởi trust issues và cách chúng tác động đến bạn. 

Do trải nghiệm, cá tính khác nhau nên mỗi người sẽ gặp các vấn đề về lòng tin khác nhau. Điển hình như người thuộc nhóm Dominance có thể gặp trust issues nếu họ thấy người khác làm việc kém hiệu quả hoặc không đạt kỳ vọng nhanh chóng. Nhóm Influence dễ dàng tin tưởng và xây dựng mối quan hệ nhưng có thể bị mất niềm tin khi bị phản bội hoặc gặp sự không trung thực. Tính cách Steadiness coi trọng sự ổn định và dễ nảy sinh trust issues khi gặp thay đổi, xung đột đột ngột, hoặc khi lòng trung thành không được đáp lại. Đặc biệt, nhóm Compliance dễ gặp trust issues nhất do nhu cầu về độ chính xác và tiêu chuẩn cao của họ. Vì thế, làm ngay bài test DISC để biết được bản thân mình thuộc nhóm nào và xem những lời khuyên cụ thể nhằm vượt qua vấn đề trust issues.

Lắng nghe nhiều hơn 

“Im lặng, lắng nghe, ghi nhớ, hành động và khôn ngoan là năm cung bậc khác nhau của trí tuệ”(Tuân Tử). 

Chính vì vậy, im lặng để lắng nghe nhiều hơn là một kỹ năng quan trọng giúp xây dựng lòng tin. Khi bạn lắng nghe người khác một cách chân thành, họ sẽ cảm thấy được tôn trọng và thấu hiểu, từ đó tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau. Hãy dành thời gian để lắng nghe người khác nhiều hơn vì biết đâu bạn sẽ tìm thấy những điều thú vị từ đối phương. Đừng chỉ nghe bằng tai, hãy lắng nghe bằng trái tim để thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng của họ và điều ngược lại sẽ xảy ra. 

Giao tiếp cởi mở và minh bạch 

Giao tiếp cởi mở và minh bạch là nền tảng để xây dựng lòng tin trong môi trường làm việc và trong cuộc sống. Hãy chia sẻ thông tin một cách rõ ràng, không giấu diếm và đảm bảo mọi người đều hiểu rõ mục tiêu và kế hoạch của tổ chức. Sự minh bạch trong giao tiếp giúp giảm bớt sự nghi ngờ và tăng cường sự tin tưởng.

Yêu cầu những kỳ vọng rõ ràng

Đừng ngần ngại Yêu cầu người quản lý của bạn giải thích chi tiết về những kỳ vọng của họ về bạn. Điều này chứng tỏ bạn chủ động, quan tâm đến công việc của mình. Từ đó, bạn có thể điều chỉnh và thực hiện các yêu cầu của họ tốt nhất. Sự tin tưởng sẽ đến từ sự rõ ràng trong mọi đầu việc. 

Quyết định nhất quán và công bằng

Những quyết định nhất quán và công bằng từ lãnh đạo sẽ tạo ra một môi trường làm việc ổn định và đáng tin cậy. Khi nhân viên thấy rằng mọi quyết định đều được đưa ra dựa trên nguyên tắc công bằng và minh bạch, họ sẽ cảm thấy an tâm và tin tưởng vào lãnh đạo.

Trao quyền cho nhân viên 

Trao quyền cho nhân viên là cách thể hiện sự tin tưởng vào năng lực và khả năng của họ.  Không một nhân viên nào được trao quyền sẽ làm không tốt vì họ sẽ luôn có ý thức cố gắng làm tốt nhất có thể. Nói cách khác, nhân viên sẽ cảm thấy được tin tưởng và có trách nhiệm hơn với công việc. Điều này sẽ thúc đẩy họ nỗ lực và cống hiến hết mình, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công việc chung.

Lời kết

Trust issues có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường làm việc và hiệu suất của nhân viên. Để xây dựng lòng tin, hãy bắt đầu từ việc tự tin vào bản thân, lắng nghe chân thành, giao tiếp cởi mở và minh bạch, thiết lập kỳ vọng rõ ràng và đưa ra quyết định công bằng. Các công cụ như trắc nghiệm tính cách DISC có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về bản thân và đồng nghiệp, từ đó tạo ra một môi trường làm việc tích cực và đáng tin cậy. Tracnghiemtinhcach sẽ  đồng hành cùng bạn trong việc xây dựng niềm tin và phát triển đội ngũ hiệu quả, bền vững. 

messenger